Từ ngày 01/04/2015, Thông tư 38/2015/TT-BTC Quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu sẽ chính thức có hiệu lực.

Quy định mới tác động không nhỏ đến việc kinh doanh, thương mại hàng hóa trong thời kỳ hội nhập. Bài viết sau đây sẽ tổng hợp các điểm mới của Thông tư 38/2015/TT-BTC.

1/ Bãi bỏ hàng loạt các thủ tục thuế, hải quan.

Thông tư này bãi bỏ các Thông tư: 94/2014/TT-BTC , 22/2014/TT-BTC ,128/2013/TT-BTC , 196/2012/TT-BTC , 186/2012/TT-BTC ,  183/2012/TT-BTC ,15/2012/TT-BTC , 190/2011/TT-BTC , 45/2011/TT-BTC , 45/2007/TT-BTC ,13/2014/TT-BTC , 175/2013/TT-BTC , 237/2009/TT-BTC .

2/ Một số quy định sẽ được Bộ Tài Chính hướng dẫn riêng

Thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan đối với một số loại hình hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu sau thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính:

– Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bán tại cửa hàng miễn thuế.

– Bưu gửi xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua mạng bưu chính và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

– Xăng, dầu; nguyên liệu xăng, dầu xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất.

– Khí và khí dầu mỏ hóa lỏng xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế khí và khí dầu mỏ hóa lỏng; nguyên liệu nhập khẩu để gia công xuất khẩu khí và khí dầu mỏ hóa lỏng.

(Theo Điều 1 Thông tư 38/2015/TT-BTC)

3/ Cụ thể quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan, người nộp thuế

Ngoài các quyền và nghĩa vụ theo quy định sau:

– Điều 18 Luật Hải quan.

– Điều 6, Điều 7, Điều 30 Luật Quản lý thuế 2006 được sửa đổi bởi Luật Quản lý thuế 2012.

– Điều 5 Nghị định 83/2013/NĐ-CP.

Người khai hải quan, người nộp thuế phải khai hải quan, khai bổ sung và sử dụng hàng hóa theo mục đích kê khai như sau:

– Tự kê khai đầy đủ, chính xác, trung thực các tiêu chí trên tờ khai hải quan và các chứng từ phải nộp, phải xuất trình theo quy định pháp luật, các yếu tố làm căn cứ, liên quan đến tính thuế hoặc miễn thuế, xét miễn thuế, xét giảm thuế, xét hoàn thuế, không thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT, thuế BVMT (trừ việc kê khai thuế suất, số tiền thuế phải nộp đối với hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế);

– Tự xác định, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai số tiền thuế phải nộp; số tiền thuế được miễn thuế, xét miễn thuế, xét giảm thuế, hoàn thuế hoặc không thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế GTGT, thuế BVMT theo đúng quy định pháp luật; kê khai số tiền thuế phải nộp trên giấy nộp tiền theo quy định của Bộ Tài chính về thu, nộp thuế và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

– Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu kê khai thuộc đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế GTGT, thuế BVMT hoặc miễn thuế, xét miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hoặc áp dụng thuế suất ưu đãi, ưu đãi đặc biệt, mức thuế theo hạn ngạch thuế quan và đã được xử lý theo kê khai nhưng sau đó có thay đổi về đối tượng không chịu thuế hoặc mục đích được miễn thuế, xét miễn thuế, áp dụng thuế suất ưu đãi, ưu đãi đặc biệt, mức thuế theo hạn ngạch thuế quan; hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hoá xuất khẩu và hàng hóa tạm nhập – tái xuất chuyển tiêu thụ nội địa thì người nộp thuế phải thực hiện khai hải quan đối với hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa theo quy định.

– Cử người đại diện khi làm thủ tục hải quan và các thủ tục hành chính khác với cơ quan hải quan.

(Theo Điều 2 Thông tư 38/2015/TT-BTC)

4/ Quy định thêm nội dung về nộp, xác nhận và sử dụng các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, hồ sơ thuế

– Người khai hải quan, người nộp thuế không phải nộp tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi đề nghị cơ quan hải quan thực hiện các thủ tục xét miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa, gia hạn nộp thuế, nộp dần tiền thuế nợ, xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, trừ trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy.

– Các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, hồ sơ khai bổ sung, hồ sơ đăng ký Danh mục hàng hoá miễn thuế, hồ sơ báo cáo sử dụng hàng hóa miễn thuế, hồ sơ xét miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, hồ sơ đề nghị xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa, hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế, hồ sơ nộp dần tiền thuế nợ, hồ sơ xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, hồ sơ đề nghị xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp cho cơ quan hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc nộp bản giấy theo quy định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

 Trường hợp theo quy định phải nộp bản chính thì người khai hải quan phải nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính cho cơ quan hải quan.

Khi kiểm tra hồ sơ, cơ quan hải quan sử dụng các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan điện tử và các thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan để kiểm tra, đối chiếu và lưu trữ.

– Người khai hải quan phải lưu trữ hồ sơ theo quy định trên, sổ sách, chứng từ kế toán trong thời hạn theo quy định pháp luật về kế toán. Ngoài ra, người khai hải quan phải lưu trữ các chứng từ khác liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong thời hạn 5 năm, bao gồm chứng từ vận tải đối với hàng hóa xuất khẩu, phiếu đóng gói, tài liệu kỹ thuật, chứng từ, tài liệu liên quan đến định mức thực tế để gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu.

Người khai hải quan phải lưu trữ bản chính các chứng từ nêu trên (trừ trường hợp đã nộp bản chính cho cơ quan hải quan), trường hợp các chứng từ điện tử thì lưu giữ dưới dạng điện tử hoặc chuyển đổi ra chứng từ giấy theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

(Theo Điều 3 Thông tư 38/2015/TT-BTC)

5/ Sẽ triển khai thực hiện thủ tục hải quan ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ, ngày lễ

– Cơ quan hải quan thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa vào ngày nghỉ, ngày lễ và ngoài giờ làm việc để đảm bảo kịp thời việc xếp dỡ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, việc xuất cảnh, nhập cảnh của người, phương tiện vận tải hoặc trên cơ sở thông báo trước qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc bằng văn bản (chấp nhận cả bản fax) của người khai hải quan.

Thông báo phải được gửi đến cơ quan hải quan trong giờ làm việc theo quy định. Ngay sau khi nhận được thông báo, cơ quan hải quan phải phản hồi cho người khai hải quan qua Hệ thống hoặc bằng văn bản về việc bố trí làm thủ tục hải quan vào ngày nghỉ, ngày lễ và ngoài giờ làm việc.

Trường hợp cơ quan hải quan đang kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa mà hết giờ làm việc thì thực hiện kiểm tra tiếp cho đến khi hoàn thành việc kiểm tra và không yêu cầu người khai hải quan phải có văn bản đề nghị.

Thời hạn kiểm tra thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Hải quan 2014.

– Đối với các cửa khẩu biên giới đất liền, việc thực hiện thủ tục hải quan vào ngày nghỉ, ngày lễ và ngoài giờ làm việc phải phù hợp với thời gian đóng, mở cửa khẩu theo quy định pháp luật và Điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới.

Các Thông tư trước đây chưa có quy định về nội dung này. Quy định mới được đặt ra nhằm giải quyết việc thực hiện thủ tục hải quan được nhanh chóng, tránh gây tồn đọng, kéo dài.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM